Công tác Khắc phục Hậu quả Bom mìn mang tính cấp bách – Hợp tác chặt chẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy nỗ lực chấm dứt hậu quả nặng nề của chiến tranh

28 March, 2023

Chị Y Quyết tại tỉnh Quảng Bình: "Nỗi lo lắng về bom mìn luôn đeo bám tôi,”

UNDP Việt Nam

Trước thềm Hội nghị Khu vực về Khắc phục Hậu quả Bom mìn vì Hòa bình và Phát triển Bền vững (29-30 tháng 3 năm 2023), Giám đốc Quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Cho Han-Deog và Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi có bài viết về vấn đề này.

Nhiều thế hệ người dân ở Việt Nam, Campuchia, và Lào đã sống trong nỗi sợ hãi rằng có thể bước chân tiếp theo là bước chân cuối cùng.

Phần lớn khối lượng 7,5 triệu tấn bom mìn ném xuống trong những cuộc xung đột vào những năm 1960, 1970 nằm ở Việt Nam. Nửa thế kỷ kể từ khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, một phần năm đất nước Việt Nam vẫn bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. Sinh sống bên cạnh các bãi bom mìn và ô nhiễm bom mìn trong lòng đất là nỗi kinh hoàng của mọi người dân. “Năm 2009, tôi phát hiện một quả mìn ở sân sau khi đang làm vườn. Nỗi lo lắng về bom mìn luôn đeo bám tôi,” Y Quyết, một phụ nữ sống ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết.

Trong ba thập kỷ vừa qua, UNDP đã hoạt động trong lĩnh vực  Khắc phục Hậu quả Bom mìn tại hơn 50 quốc gia. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hỗ trợ hoạt động  Khắc phục Hậu quả Bom mìn tại Việt Nam, CHDCND Lào và Campuchia trong Chương trình Xây dựng Cộng đồng Hòa bình Mekong. 

Bom mìn chưa nổ không chỉ đe dọa cướp đi mạng sống của người dân, mà ô nhiễm bom mìn còn cản trở khả năng khai thác đất đai tạo sinh kế và phát triển trong hòa bình và an ninh. Diễn viên vừa đoạt giải Oscar, Đại sứ Thiện chí của UNDP Dương Tử Quỳnh đã từng nói tại một hội nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2021 rằng “Khắc phục hậu quả bom mìn có mối liên hệ mật thiết với Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và quan trọng là cần xem xét các khía cạnh khác của  Khắc phục Hậu quả Bom mìn, không chỉ có rà phá làm sạch đất”.

Chính phủ Việt Nam cam kết chấm dứt tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ chưa nổ vào năm 2025.  KOICA và UNDP cam kết hỗ trợ chính phủ thực hiện mục tiêu này. Điều này có nghĩa là chấm dứt tình trạng thương vong và tai nạn mất đi một phần thân thể do các vật liệu chiến tranh chết người này và giải phóng đất bị ô nhiễm bom mìn để phát triển và sử dụng hiệu quả. KOICA và UNDP hợp tác với Bộ Quốc phòng trong việc củng cố thể chế để giải quyết những thách thức do bom mìn gây ra, thực hiện các chương trình giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ, quản lý dữ liệu, hỗ trợ nạn nhân và thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn. 

Trong 3 năm, dự án đã khảo sát 17.000 ha đất, tương đương 20.000 sân bóng đá, và rà phá làm sạch 10.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn. Cũng trong thời gian đó, 450.000 người dân địa phương đã được tham gia các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ. KOICA và UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác  Khắc phục Hậu quả Bom mìn, chẳng hạn như hỗ trợ 10,500 nông dân áp dụng nông nghiệp thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu và cải tạo, nâng cấp 50 trạm y tế xã.

Những người dân như Y Quyết chỉ có thể mường tượng trong suy nghĩ của mình một cuộc sống không còn nguy cơ bom mìn và cơ hội được khai thác đất đai để con cái họ có thể phát triển. Mỗi ngày, họ chờ đợi đội xử lý bom mìn đến để tiến hành công việc rà phá từng mét từng mét một. 

Ngày 4 tháng 4 năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày Quốc tế Nâng cao Nhận thức về Bom mìn và Hỗ trợ Hành động Bom mìn với thông điệp Công tác Khắc phục Hậu quả Bom mìn mang tính cấp bách. Để thúc đẩy quá trình này, chúng ta cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm chia sẻ ý tưởng và các tiến bộ công nghệ có thể mang đến kết quả cụ thể và lâu dài đối với đất đai. 

Ở Campuchia, chính phủ đã bắt đầu sử dụng thiết bị bay không người lái để dò bom mìn. Tại Việt Nam, một hệ thống đăng ký và quản lý thông tin trực tuyến dành cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được xây dựng để tiến hành đánh giá tại hai tỉnh bị ô nhiễm nặng nhất là Quảng Bình và Bình Định.

Mục tiêu của chúng tôi là một thế giới không còn mối đe dọa của bom mìn và vật liệu chưa nổ. Điều quan trọng là các quốc gia phải hợp tác để thúc đẩy công nghệ đổi mới trong khu vực nhằm chấm dứt hậu quả của bom mìn, vật nổ. Vẫn còn nhiều việc cần làm để giảm thiểu rủi ro và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ.