Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bài phát biểu của Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

3 June, 2023

Kính thưa:

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Đại sứ, cố vấn và đại diện cấp cao của các cơ quan chính phủ, đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức;

Kính thưa các vị khách quý, thưa các bạn;

Thưa quý vị khách quý,

Xin chào.

Lời đầu tiên, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ TNMT đã ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược tái khẳng định cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển và một xã hội hài hòa với thiên nhiên. UNDP chúng tôi hoan nghênh bước tiến quan trọng này trong việc phát triển các giải pháp mang lại lợi ích cho cả đại dương và người dân Việt Nam, đồng thời bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Với lợi thế có bờ biển dài hơn 3.260 km, theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, vùng ven biển Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo. Diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.

Nhiều chính sách đã được ban hành để giải quyết vấn đề. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trọng tâm hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển như Nghị quyết 36, Kế hoạch hành động quốc gia về Rác thải nhựa đại dương, và hôm nay, là lễ công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thưa quý vị khách quý,

Sau phần giới thiệu Chiến lược, tôi muốn nhấn mạnh ba khuyến nghị từ UNDP cần hướng tới:

Thứ nhất, sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. UNDP và Nauy vinh dự được hỗ trợ và tham gia vào quá trình xây dựng MSP.

Thứ hai, Biển và hải đảo của Việt Nam hiện đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển (như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường) là rất quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.

Cuối cùng, hỗ trợ quốc tế về bí quyết, chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững sẽ rất cần thiết để thúc đẩy cho sự thay đổi và cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết 48. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài.

Thưa quý vị khách quý,

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Bộ TNMT và VASI vì sự hợp tác tuyệt vời của các bạn trong những nỗ lực liên tục nhằm đảm bảo sự bền vững và thịnh vượng lâu dài của các vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Tôi cũng rất biết ơn các đối tác phát triển, như Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Na Uy, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu EU và tổ chức GIZ và nhiều đối tác khác vì sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của các bạn.

Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều.

Xin Cảm ơn!