Hành trình hướng tới phát triển bền vững của thanh long Việt Nam

29 September, 2023


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 9 năm 2023 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”. Hội nghị nhằm thúc đẩy thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, và thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa các bên liên quan.

Hội nghị tập trung vào việc lồng ghép các phương pháp sản xuất xanh, ít phát thải các bon và thích ứng với biến đổi khí hậu từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của hệ thống lương thực của Việt Nam, trong đó tập trung vào chuỗi giá trị của trái thanh long - một trong 10 loại cây chủ lực của Việt Nam. Sự chuyển đổi này đòi hỏi hệ thống quản lý hiện đại, thúc đẩy tính minh bạch thông qua chuyển đổi số và thiết lập các mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà phân phối. Sự minh bạch trong quy trình sản xuất, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao gồm cả việc theo dõi các yếu tố quan trọng như dấu chân các bon của trái thanh long là những điều tất yếu đối với các xu hướng nông nghiệp và thực phẩm xanh nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mới và chiến lược hành động quốc gia hướng tới một tương lai bền vững với mức phát thải ròng bằng "0".

Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về diện tích đất trồng và sản lượng thanh long. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước sản xuất và xuất khẩu thanh long lớn thứ hai trên thế giới, giữ một thị phần đáng kể ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ. Tuy vậy, kể từ khi Covid-19, chuỗi giá trị thanh long ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn. Số liệu thống kê gần đây của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm mạnh kể từ năm 2019. Sự suy giảm này diễn ra cùng lúc với việc Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico đã trồng thành công loại quả này. Trong đó, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn Việt Nam. Những phát triển này nêu bật nhu cầu cấp thiết để tìm ra một hướng đi mới cho thanh long Việt Nam.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của chuỗi giá trị thanh long Việt Nam, ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm trồng thanh long là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Ông cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là cần thiết. “Một trong các chiến lược quan trọng là tổ chức lại ngành hàng thanh long theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, khắc phục tình trạng thiếu kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi, tạo điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro thị trường và sản xuất. Hệ thống logistics đồng bộ và hiệu quả cũng như việc huy động nguồn lực từ tư nhân, nhà nước và hỗ trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu suất, tích hợp nhiều giá trị, giảm lượng phát thải các bon, và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị thanh long."

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh hội nghị là diễn đàn quan trọng để cập nhật thông tin về các yêu cầu thị trường và thương mại đang thay đổi và để thu thập thông tin từ kinh nghiệm thương mại trong nước và quốc tế. Ông cho biết: "Điều quan trọng là chúng ta phải luôn lắng nghe và nắm bắt được cảnh quan thương mại đang thay đổi, đặc biệt là trong việc mở rộng và đa dạng hóa hợp tác thương mại ở các thị trường mới nổi như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Hà Lan, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc."

Ông cũng nhấn mạnh ba bài học quan trọng cho việc phát triển bền vững thanh long Việt Nam. Việc duy trì lợi thế cạnh tranh đòi hỏi trước tiên phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng và áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường. Thứ hai, sản xuất lấy thị trường làm trọng tâm cần điều chỉnh sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đạt được các chứng nhận sản xuất bền vững và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Sản xuất thanh long bền vững phải sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon. Những phương pháp này sẽ giảm mức tiêu thụ tài nguyên, tăng chất lượng trái cây và tối ưu hóa giá trị kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hội nghị bao gồm một loạt cuộc thảo luận chi tiết về các chủ đề quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thanh long: Định hướng thanh long, Động lực thị trường, Bền vững trong thực tiễn, Chiến lược của tỉnh, Đảm bảo chất lượng. Các thông tin doanh nghiệp với góc nhìn quý báu từ các nhà lãnh đạo trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp châu Âu, Vina T&T, Saigon COOP, MM Mega Market, Big C, Hiệp hội Thanh long và các công ty địa phương khác, các hợp tác xã và chuyên gia đã được chia sẻ. Những thông tin này cung cấp cho các đại biểu tham gia cái nhìn tổng quan về các mô hình kinh doanh thành công và thực hành trong ngành sản xuất thanh long.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã khởi xướng hợp tác mới nhằm thúc đẩy hệ sinh thái thanh long xanh, bền vững, bao gồm một biên bản Thỏa thuận Hợp tác giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quốc tế Thiên Ân và Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà nhằm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thanh long ra các thị trường xuất khẩu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Trung Quốc.

Kết thúc hội nghị, Ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh rằng chiến lược sản xuất thanh long nên tập trung vào việc duy trì  60,000 - 65,000 ha diện tích trồng thanh long hiện tại ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Bộ mong muốn kêu gọi hỗ trợ và hợp tác về mặt kỹ thuật với các đối tác phát triển và khu vực tư nhân để hỗ trợ ba tỉnh này trong việc năng cao chất lượng sản xuất, ước tính khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn mỗi năm, thông qua các quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và chứng nhận an toàn thực phẩm để đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Bộ cũng mong đợi các giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường đầu tư liên tục vào nghiên cứu và phát triển trong việc tận dụng và tuần hoàn phụ phẩm thanh long. Điều này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn phù hợp với mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này không chỉ đảm bảo tương lai của ngành sản xuất thanh long mà còn giúp định hướng ngành này trở thành một ngành công nghiệp bền vững chú trọng tới chất lượng trên thị trường quốc tế.

Thông tin liên hệ dành cho báo chí:
Phan Hương Giang
Phụ trách báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường, 
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)
Email: phan.huong.giang@undp.org
Số điện thoại: 0948466688