Đảm bảo thông tin đầy đủ về người khuyết tật trong cơ sở dữ liệu quốc gia hướng tới chính sách kinh tế - xã hội hòa nhập

6 October, 2022
UNDP Việt Nam

Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 2022 - Dữ liệu về các nhóm người khuyết tật (NKT) cụ thể, đặc biệt là những nhóm khuyết tật bị thiệt thòi nhất, bao gồm NKT nghe nói và NKT chữ in (những người không đọc được tài liệu in thông thường) ở Việt Nam, đang thiếu nghiêm trọng. Tìm dữ liệu về NKT rất khó, và khi tìm thấy thì không rõ nguồn để trích dẫn do thiếu sự thống nhất giữa số liệu báo cáo của các cơ quan Chính phủ khác nhau.

Theo phân tích mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong số 158 chỉ tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs), chỉ có 8 chỉ tiêu yêu cầu dữ liệu phân tách theo các dạng khuyết tật. Trong tám chỉ tiêu này, chỉ có hai chỉ tiêu (1.2.3 - Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trong cộng đồng, và 1.2.5 - Số người đang sống và được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà ở xã hội) được thống kê bởi cả Tổng cục Thống kê và Hội đồng Quốc gia về Người khuyết tật (NCD) thông qua các cuộc điều tra và báo cáo hành chính. Dữ liệu của một nửa trong số tám chỉ tiêu để đánh giá mức độ hòa nhập của NKT trong các lĩnh vực khác nhau của VSDGs không được NCD thu thập, chẳng hạn như 16.6.1: Tỷ lệ dân số hài lòng với trải nghiệm gần đây nhất của họ về các dịch vụ công.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo tham vấn nghiên cứu: “Xây dựng chỉ số đầu ra cho Điều tra quốc gia lần thứ 2 về người khuyết tật 2023” do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP)  phối hợp với Liên đoàn người khuyết tật Việt Nam và Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

“Việc tăng cường dữ liệu về NKT trong cơ sở dữ liệu quốc gia và có nhiều chỉ số hơn được phân tách theo khuyết tật trong VSDGs là rất quan trọng, điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhu cầu cũng như thách thức của NKT trong cuộc sống,” ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết. “UNDP đang hỗ trợ xây dựng bộ chỉ số đầu ra cho Điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2023 nhằm đảm bảo tính bao quát và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.

Bộ chỉ số đề xuất với 53 chỉ số, tương ứng với 10 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), được khuyến nghị phân tách theo dạng khuyết tật. Các chỉ số này không những có thể được sử dụng cho Điều tra quốc gia về NKT 2023 (VDS), mà còn phục vụ cho việc phân tách dữ liệu về người khuyết tật trong các cuộc điều tra thống kê quốc gia khác, đóng góp thông tin thực chứng cho việc xây dựng các chính sách và chương trình kinh tế xã hội có hòa nhập người khuyết tật.

Hội thảo về bộ chỉ số đầu ra khuyết tật là hoạt động hữu ích và cũng là cơ hội để TCTK có thêm thông tin từ người dùng tin, đặc biệt là ý kiến của cộng đồng người khuyết tật để TCTK có thêm thông tin phục vụ thiết kế điều tra,” Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, phát biểu tại Hội thảo. “Việc xác định được bộ chỉ số đầu ra khuyết tật không chỉ là căn cứ để xác định nội dung và phiếu hỏi điều tra, mà còn là căn cứ để thiết kế bảng biểu số liệu, các chủ đề/nội dung phân tích và công bố kết quả điều tra phục vụ người dùng tin”.

Điều tra Quốc gia về NKT lần đầu tiên được triển khai vào năm 2016, sử dụng bộ công cụ theo tiêu chuẩn quốc tế để đo lường tình trạng khuyết tật. Cuộc điều tra là một phần của Chương trình Điều tra Thống kê Quốc gia. Thông qua cuộc điều tra đó, lần đầu tiên chúng ta có cái nhìn tổng quan về tỷ lệ khuyết tật trong dân số chung trên toàn quốc, các dạng và mức độ khuyết tật, cũng như điều kiện sống của NKT và mức độ hòa nhập của NKT trong một số lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, giáo dục, việc làm, v.v., cũng như so sánh tỷ lệ khuyết tật giữa các vùng kinh tế - xã hội. Cho đến nay, có nhiều báo cáo của các cơ quan Nhà nước, tổ chức của và về NKT, các chuyên gia về người khuyết tật vẫn sử dụng số liệu được công bố trong cuộc điều tra này.

Sau 6 năm, Điều tra Quốc gia về NKT năm 2016 không còn phản ánh chính xác thực trạng NKT ở Việt Nam. Những dữ liệu này cần được cập nhật và bổ sung để hỗ trợ tốt hơn việc giám sát các chương trình và chính sách phát triển kinh tế - xã hội có hòa nhập NKT, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về luật và hoạch định chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Luật Người khuyết tật sửa đổi, giám sát việc thực hiện luật, chính sách hòa nhập NKT, và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD).

***

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:

Nguyễn Việt Lan, Phụ trách Truyền thông UNDP Việt Nam,

email: nguyen.viet.lan@undp.org, tel: 0914.436769

Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Cán bộ Truyền thông UNDP Việt Nam,

email: nguyen.thi.thuy.duong@undp.org, tel: 0983.135799