Chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam

17 August, 2023
Photo: Gia Khiem

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2023 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”. Được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam", sự kiện nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để hỗ trợ thực hiện các cam kết NDC của Việt Nam trong ngành Nông nghiệp.

Tại Hội nghị, lần đầu tiên UNDP và Bộ NN&PTNT giới thiệu mô hình về mộthệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận. Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, Việt Nam, giờ đây có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.

Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu gồm đại diện các Cục/Vụ/Viện của Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện của Sở NN&PPTNT và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bình Thuận, Bạc Liêu và thành phố Hồ Chí Minh  các doanh nghiệp: Amazon Web Services (AWS), Agriterra tại Việt Nam, Công ty TNHH phần mềm 2NF, Công ty Công nghệ Sao Vega,  , và các đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, FAO, UNIDO, Đại sứ quán Canada, Ngân hàng Phát triển Châu Á, IFC, IDH, Oxfam tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), GIZ, SNV.

Các chủ đề chính thảo luận tạihội nghị bao gồm tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi dấu chân carbon trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, thúc đẩy chuỗi cung ứng phát thải carbon thấp, thân thiện môi trường cho các sản phẩm như thanh long và tôm, triển khai các hệ thống kỹ thuật số để tăng cường quản lý sản xuất lúa, thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời củng cố sự phối hợp giữa các đơn vị địa phương và trung ương trong cuộc cách mạng kỹ thuật số để bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững. Một số mô hình nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững cũng đã được nhấn mạnh.

Các đại biểu đã tham gia thảo luận về sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức quốc tế để xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển xanh và bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam, sự cần thiết của các giải pháp số hóa theo tiêu chuẩn để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi, thúc đẩy phát triển vùng sản xuất bền vững hướng tới những thị trường xuất khẩu chiến lược, cũng như thiết lập Nhóm hợp tác làm việc về chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn vẫn cần được cải thiện. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh rằng “chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.” Ông cũng nói thêm rằng Bộ đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thống nhất tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Chúng tôi tự hào được hợp tác với Bộ NN&PTNT trong việc đầu tư vào một số giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp. Chúng tôi rất vui khi hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon được số hóa đã được thiết lập cho hai mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm. Công cụ này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng để hoạt động trong một nền kinh tế xanh, nơi mà việc tuân thủ các chuẩn mực "xanh" và tiêu chuẩn "xanh" là điều được yêu cầu như một xu hướng mới. Bằng việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh phù hợp với khí hậu và tăng sinh kế bền vững của nông dân địa phương, chúng ta đang cùng nhau mở đường cho một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn cho nền nông nghiệp Việt Nam," ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.

Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam” (NDC Nông nghiệp) do Bộ NN&PTNT và UNDP phối hợp thực hiện với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bạc Liêu từ năm 2019 đến 2023. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Liên minh Châu Âu, dự án nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong việc tài trợ, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng có cơ sở kỹ thuật, khả thi về mặt tài chính, có cảnh báo về rủi ro để hỗ trợ các mục tiêu NDC của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:
Phan Hương Giang
Phụ trách báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường,
UNDP Việt Nam
Email: phan.huong.giang@undp.org
Mob: 0948466688

Bùi Việt Hiền
Cán bộ chương trình về Biến đổi khí hậu, 
UNDP Việt Nam
Email: bui.viet.hien@undp.org