Từ “Xăng” đến “Sạc”: Thử nghiệm Chính sách trong ngành Giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, hướng tới giao thông xanh

Chuỗi bài viết về Đổi mới Sáng tạo Khu vực công: Thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo - Tác giả: Trần Hương Giang, Đồng Trưởng phòng phụ trách thử nghiệm, và Nguyễn Thị Phương Nga, Trợ lý Chương trình, Phòng Thí nghiệm Tăng tốc Đổi mới sáng tạo (Accelerator Lab), UNDP tại Việt Nam

15 November, 2023
Accelerator Lab, UNDP tại Việt Nam

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn, việc chuyển đổi sang giao thông bền vững đã trở thành một ưu tiên cấp bách trên toàn cầu. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tiến hành  thử nghiệm chính sách tại thành phố Huế để khám phá tiềm năng của xe máy điện như một giải pháp thay thế xanh hơn cho xe máy chạy bằng xăng truyền thống. Hoạt động thử nghiệm này tập trung vào những người giao hàng bằng xe máy bởi họ là thành phần chủ chốt trong hệ thống giao thông đô thị. Đồng thời, thử nghiệm cũng làm sáng tỏ cách thức các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu những khó khăn chính, nhu cầu, ưu tiên và hành vi của người giao hàng  đối với xe máy điện, từ đó xác định các can thiệp chính sách dựa trên bằng chứng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Trong bài viết đầu tiên của loạt bài về đổi mới sáng tạo trong khu vực công trong thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo, chúng tôi sẽ chia sẻ những điều thôi thúc chúng tôi thực hiện thử nghiệm này, các phát hiện chính và những nỗ lực hợp tác nhằm xây dựng một tương lai xanh hơn cho ngành giao hàng chặng cuối tại Việt Nam.

Tại sao chúng tôi thực hiện thử nghiệm chính sách này?

Ngành giao thông tạo ra lượng khí thải nhà kính đáng kể tại Việt Nam. Năm 2016, ngành này đã phát thải hơn một phần năm tổng lượng khí thải của cả nước. Hiện nay, ước tính có 60 triệu xe máy sử dụng xăng đang lưu thông tại Việt Nam, phát thải lên đến 42 triệu tấn CO2 mỗi năm tùy theo số lượng kilomet di chuyển [1].

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các bước để thúc đẩy sử dụng xe điện, bao gồm giảm lệ phí trước bạ [2] và thuế tiêu thụ đặc biệt [3] đối với pin lithium và ô tô điện. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ để khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Đặc biệt trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối, phương tiện phổ biến nhất là xe máy, trong khi việc sử dụng xe máy điện có chi phí đầu tư cao, các trạm sạc điện chưa được hoàn thiện và người giao hàng vẫn còn hoài nghi về công nghệ mới.

Thử nghiệm này lấy người giao hàng làm trung tâm nghiên cứu và kiểm nghiệm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và rào cản của người giao hàng trong việc chuyển đổi sang xe máy điện. Trong hành trình này, các nhà hoạch định chính sách đã tích cực tham gia thiết kế, thực hiện và đánh giá thử nghiệm, giúp họ học hỏi từ những bằng chứng và phản hồi được thu thập trong quá trình thử nghiệm. Điều này đã tác động đến các quyết định chính sách và chương trình thúc đẩy xe điện tại thành phố Huế.

Mục tiêu của Thử nghiệm

Hai câu hỏi nghiên cứu định hướng quá trình thiết kế thử nghiệm này là: "Liệu xe máy điện có giúp tăng lợi ích kinh tế cho người giao hàng" và "Liệu lối sống xanh có góp phần gia tăng giá trị cho người giao hàng và khách hàng". Thử nghiệm nhằm xác định xem sử dụng xe máy điện có thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho người giao hàng và việc hình ảnh xanh gắn liền với sử dụng xe điện có cộng hưởng thêm giá trị cho người giao hàng và khách hàng của họ không.

Quá trình thử nghiệm và kết quả

Trước khi thiết kế thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp những người giao hàng để kiểm chứng các giả định về các rào cản khi họ chuyển từ xe máy dùng xăng sang xe máy điện. Những phản hồi này sau đó đã trở thành dữ liệu đầu vào cho hội thảo thiết kế thử nghiệm. Tại hội thảo, nhóm người giao hàng và các nhà hoạch định chính sách từ các sở ban ngành khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng xác định các bước thử nghiệm và các can thiệp để trả lời hai câu hỏi nghiên cứu nêu trên. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một báo cáo đánh giá hiện trạng với sự tham gia của 63 người giao hàng để hiểu rõ khó khăn và trở ngại của họ. Giá xăng tăng cao, chi phí bảo trì, tác động của ô nhiễm không khí và tiếng ồn, thiếu trạm sạc điện là những lo lắng chính của người giao hàng nếu chuyển đổi sang xe máy điện. Sau đó, thử nghiệm được tiến hành thực tế trong khoảng 30 ngày với sự tham gia của hai nhóm giao hàng chặng cuối chuyên nghiệp: một nhóm tiếp tục sử dụng xe máy xăng, một nhóm trải nghiệm xe máy điện. 

Các giải pháp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các trạm đổi pin giúp người giao hàng  đổi pin trong vòng 2 phút thay vì sạc trực tiếp trong 3-8 giờ và một phần mềm tự động cập nhật vị trí trạm sạc theo thời gian thực.

Hoạt động thử nghiệm này đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn và mang nhiều ý nghĩa (xem số liệu bên dưới). Theo số liệu thống kê thu thập từ thử nghiệm, giao hàng bằng xe máy điện không chỉ mang lại  hiệu quả về chi phí mà còn xây dựng được hình ảnh xanh cho người giao hàng.

Accelerator Lab, UNDP tại Việt Nam

Ngoài các lợi ích về kinh tế, người giao hàng cũng chia sẻ về cảm giác tự hào khi đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một thành phố Huế xanh hơn.

Anh Lê Đức Tài, một người giao hàng cho khách du lịch nước ngoài, chia sẻ:
"Khi cung cấp dịch vụ vận chuyển, (tôi nhận thấy) các khách du lịch nước ngoài khá quan tâm đến bảo vệ môi trường, nên khi tôi sử dụng xe điện, tôi thấy họ khá thân thiện và vui vẻ đón nhận”

"Chuyển sang phương tiện điện cũng mang lại lợi ích xã hội không ngờ - không bị ảnh hưởng bởi tiếng động cơ, những chú chó dọc tuyến đường giao hàng của tôi cũng bớt sủa và gây ồn cho môi trường xung quanh" - Hồ Anh Tuấn, một người giao hàng chia sẻ.

Hàm ý chính sách và Định hướng tương lai

Sự thành công của thử nghiệm chính sách này đã mở ra một lối đi mới cho ngành giao thông Việt Nam. Tại Huế, các nhà hoạch định chính sách đã được truyền cảm hứng để cân nhắc phát triển cơ sở hạ tầng (như các trạm sạc) và nâng cao nhận thức về năng lượng xanh cho người giao hàng và người dân. Hơn nữa, thử nghiệm này cũng gợi mở khả năng áp dụng tương tự ở các ngành khác trước khi ban hành chính sách.

“Hoạt động thử nghiệm chính sách về giao thông xanh mà nhóm UNDP và HueIDS triển khai ở Huế rất thú vị, nó giúp những người tham mưu lập chính sách như chúng tôi ước lượng được quy mô, sự tác động của chính sách khi ban hành và có các giải pháp thích ứng để triển khai chính sách vào thực tế”, ông Đinh Xuân Ngọc - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ. “Khi xây dựng các quy hoạch chung, quy hoạch đô thị ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì giao thông xanh, giao thông điện là định hướng quan trọng, tuy nhiên vẫn còn khoảng trống rất lớn giữa quy hoạch và triển khai trong thực tiễn. Thử nghiệm chính sách này là một nghiên cứu điển hình giúp các cấp quản lý ở địa phương định hình được cách đưa quy hoạch vào thực tiễn.”

Quá trình chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện dùng điện không chỉ là sự chuyển dịch về công nghệ - đó còn là sự thay đổi về mô hình đòi hỏi sự hợp tác, sáng tạo và sẵn sàng đón nhận những khả năng mới. Thử nghiệm chính sách trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối tại Việt Nam là một ví dụ về việc chuyển dịch năng lượng có thể được khởi xướng và thúc đẩy như thế nào. Bằng việc ưu tiên môi trường, lợi ích kinh tế và giá trị mang lại cho những người liên quan, thử nghiệm này mở ra một lối đi xanh hơn cho tương lai, hứa hẹn ít khí thải hơn, thành phố sạch hơn và hành tinh khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người.

Học hỏi và Hợp tác

Thử nghiệm cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Có thể nói, sự thành công của thử nghiệm này nằm ở sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan, trong đó mỗi bên đóng một vai trò riêng biệt. UNDP cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về thử nghiệm dựa trên bằng chứng và quỹ quay vòng tai địa phương, các cơ quan địa phương như Viện Nghiên cứu Phát triển Huế (IDS) và Selex Motor, một công ty sản xuất xe điện mới nổi cũng đã cung cấp kiến thức chuyên môn và nguồn lực quan trọng. Với  mô hình hợp tác như vậy, thử nghiệm này đã diễn ra thuận lợi và phản ánh được sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình thay đổi chính sách một cách hiệu quả bởi các bên liên quan. 

Accelerator Lab, UNDP tại Việt Nam

[1] ADB project TA-9055 VIE: mỗi xe máy sử dụng trung bình phát thải ra 66g CO2 mỗi km. Một xe máy di chuyển trung bình từ 15-30km/ngày sẽ phát thải từ 0.36 đến 0.73 tấn CO2 mỗi năm.

[2] https://congan.hanoi.gov.vn//Portals/0/Cache/tuyen truyen/10-nd-2022-signed.pdf 

[3] https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/03-2022-qh15..pdf 
 

---

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Cung Trọng Cường và đội ngũ Huế IDS, anh Nguyễn Tuấn Lương, Đồng Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo của UNDP đã hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện thử nghiệm chính sách này. Chúng tôi cũng xin đánh giá cao sự giúp đỡ của chị Nguyễn Việt Lan, Trưởng Bộ phận truyền thông của UNDP, chị Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng Phòng Tăng trưởng bao trùm và các đồng nghiệp phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP vì những góp ý sâu sắc giúp hoàn thiện bài viết này.