Tài chính và Quản trị cho một Việt Nam Chuyển dịch Năng lượng Công bằng

Tài chính và Quản trị cho một Việt Nam Chuyển dịch Năng lượng Công bằng

16 September, 2022

Thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là thách thức phát triển của thế hệ chúng ta. Với các chính sách nhạy bén hướng tới tương lai,thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, cùng với các cam kết và hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác phát triển, Việt Nam sẽ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, tiến tới độc lập về năng lượng, không khí sạch và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Tiếp cận tài chính thường được coi là trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi công bằng. Chúng ta thường nghĩ rằng vốn là một khoản tiết kiệm phải được phân bổ cho các ưu tiên đầu tư cạnh tranh. Nhưng điều này là không chính xác. Đúng hơn khi nói rằng chính đầu tư là động lực thúc đẩy tiết kiệm, chứ không phải ngược lại. Lãi đầu tư được điều chỉnh theo mức rủi ro đầu tư. Nếu đầu tư vào năng lượng tái tạo có lãi, nguồn tài chính sẽ tự tìm đến.

Tuy nhiên, đầu tư có lãi vào năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có quản trị tốt. Và vì lý do này, vấn đề trong cấp vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng là vấn đề quản trị. Các quy định rõ ràng, khả thi, minh bạch sẽ khuyến khích các nhà sản xuất hiệu quả và giảm giá cho người tiêu dùng. Chúng tôi thấy đã có nhiều quốc gia triển khai các ngân hàng phát triển quốc gia để tăng lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro để đầu tư cho năng lượng và các khoản đầu tư xanh khác. Chiến lược này có thể được áp dụng ở Việt Nam để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Các đối tác phát triển có thể đóng góp vào quá trình này bằng cách chia sẻ các bài học về sử dụng chức năng của các cơ quan nhà nước thúc đẩy tài chính xanh tại thị trường nội địa và hỗ trợ Việt Nam thành lập Ngân hàng Năng lượng để tài trợ cho quá trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.