Tài chính bền vững cho tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

7 December, 2023
Photo: Unsplash/Tan Nguyen

Nha Trang, ngày 7 tháng 12 năm 2023 - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo về “Tài chính bền vững cho tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.

Từ các kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các cộng đồng ngư dân và chính quyền địa phương tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, hội thảo nhằm mục đích chia sẻ và thảo luận các thách thức và cơ hội về tài chính để duy trì và phát triển các mô hình đồng quản lý, cũng như những vấn đề về cơ chế chính sách liên quan, nhằm mục tiêu cải thiện hoạt động của các mô hình này để cung cấp bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức và nhân rộng ra trong cả nước.

Luật Thủy sản 2017 ra đời, trong đó quy định “Đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” và “Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (sau đây gọi là tổ chức cộng đồng) là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý”.

Trên cơ sở đó, UNDP, thông qua Chương trình tài trợ nhỏ (UNDP/GEF-SGP) đã hỗ trợ thành lập hơn 10 mô hình đồng quản lý, trong đó phải kể đến các mô hình tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Cụ thể, năm 2018, UNDP đã hỗ trợ thành lập theo Luật Thủy sản ba tổ chức cộng đồng tại 3 xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Cho đến nay, sau 5 năm hoạt động, các tổ chức cộng đồng đã xây dựng được Quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp, thành lập Quỹ cộng đồng, vận hành Quỹ quay vòng vốn và vẫn đang duy trì được các hoạt động đồng quản lý bao gồm hội họp, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên, tổ chức tuần tra trên biển, phát triển các hoạt động sinh kế như nuôi sò lông, rong biển, v.v.

Tuy nhiên, trên thực tế, để duy trì bền vững và phát huy hiệu quả của các mô hình đồng quản lý, việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động của các tổ cộng đồng còn gặp nhiều thách thức. Vì vậy, trong khuôn khổ sáng kiến Tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN), UNDP mong muốn rà soát việc triển khai các mô hình đồng quản lý tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, để giúp đưa ra khuyến nghị về một cơ chế tài chính lâu dài cho đồng quản lý. BIOFIN đã và đang thúc đẩy các cơ chế hợp tác công – tư, tăng cường năng lực hoạt động và lập kế hoạch của cộng đồng, động viên sự tham gia và đóng góp của người dân và các tổ chức địa phương để duy trì các nguồn tài chính cho các hoạt động đồng quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Trên thực tế, trong giai đoạn 2022-2023, cộng đồng ở Hàm Thuận Nam đã huy động thành công khoảng 1,6 tỷ đồng từ các tổ chức tư nhân tại địa phương và UBND xã cho việc bảo vệ và phục hồi tài nguyên biển như thả phao và thả rạn san hô nhân tạo. Tại quần đảo danh thắng san hô Hòn Yến, Phú Yên, BIOFIN cũng đang hỗ trợ xây dựng cơ chế thu phí mới từ các hoạt động du lịch sinh thái – cộng đồng để trích lập 15% doanh thu du lịch cho các hoạt động đồng quản lý bảo tồn san hô của Tổ hợp tác dịch vụ và sinh thái Hòn Yến. Một trong những trọng tâm của BIOFIN Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục các nghiên cứu và thử nghiệm để thiết kế và thực hiện các cơ chế tài chính bền vững cho việc bảo tồn các hệ sinh thái biển khác nhau tại Việt Nam

“Mặc dù còn nhiều thách thức trong việc duy trì tính bền vững của các mô hình đồng quản lý và phát triển sinh kế cho người dân địa phương, những thành công cho đến nay vẫn là bằng chứng sống động cho thấy việc trao quyền đồng quản lý cho cộng đồng và có sự tham gia chủ động của cộng đồng, với hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chuyên môn và chính quyền, huy động nguồn lực từ khu vực công và tư nhân là động lực thúc đẩy những thay đổi tích cực trong việc duy trì và bảo vệ chất lượng của các hệ sinh thái biển,” bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ, “Đồng quản lý là một thực tiễn quan trọng cần được tăng cường hơn nữa cả về mặt thể chế và tài chính như một phần của chương trình nghị sự chung của quốc gia để nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái biển có ý nghĩa quan trọng toàn cầu của Việt Nam.”

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Ngư dân phải được đóng vai trò chủ thể trong đồng quản lý. Các hỗ trợ của chúng tôi trong thời gian qua đều nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tổ chức cho các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính cho các hoạt động. Chúng tôi đã và đang hướng dẫn cộng đồng thay đổi tư duy để chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch quản lý và thực hiện các phương án sinh kế để có thêm thu nhập từ chính khu vực đồng quản lý, giúp phát huy hiệu quả của chính sách đúng đắn này”.

Nhằm mục tiêu thúc đẩy các trao đổi và hiểu biết hai chiều về các nhu cầu và thách thức mà các tổ chức cộng đồng đang gặp phải trong thực hiện đồng quản lý, UNDP hỗ trợ tổ chức Đối thoại giữa Bộ NN&PTNT với ngư dân và các hội đoàn về “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm” tại Nha Trang ngày 8/12. Đối thoại này là dịp để người lãnh đạo ngành cao nhất có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với những người ngư dân thực hiện đồng quản lý và các hội đoàn nghề cá, để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách này tại địa phương, để cùng nhau thảo luận đưa ra các giải pháp kịp thời về chính sách và thực tiễn cho phương thức đồng quản lý vì một ngành thủy sản Việt Nam hội nhập, bền vững và có trách nhiệm.

Dựa trên những kết quả này, trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục có các hỗ trợ tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng ven biển thông qua việc phục hồi các hệ sinh thái ven biển, các mô hình sinh kế du lịch sinh thái, dựa vào thiên nhiên để chuyển đổi nền kinh tế và ngành du lịch địa phương của Việt Nam theo hướng bền vững hơn cả về mặt sinh thái và xã hội.

Các câu hỏi báo chí, vui lòng liên hệ:
Phan Hương Giang
Phụ trách báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường
UNDP Việt Nam
Email: phan.hương.giang@undp.org

Giới thiệu về BIOFIN:
BIOFIN là sáng kiến toàn cầu của UNDP nhằm phát triển và thực hiện cách tiếp cận mới về tài chính đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, dự án BIOFIN đang tích cực hướng tới các giải pháp tài chính sáng tạo cho bảo tồn đa dạng sinh học, tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận; tăng cường cơ chế tài chính cho đồng quản lý tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận và phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng tại Hòn Yên, Phú Yên, v.v.

Giới thiệu về Chương trình Tài trợ Nhỏ (UNDP/GEF-SGP):
Chương trình Tài trợ Nhỏ (SGP) là một chương trình hợp tác của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện từ năm 1992, cung cấp các khoản tài trợ nhỏ cho hơn 125 quốc gia để thúc đẩy đổi mới dựa vào cộng đồng, phát triển năng lực và trao quyền thông qua các dự án phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dân sự địa phương với sự quan tâm đặc biệt đến người dân bản địa, phụ nữ và thanh niên. SGP hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999. Chương trình đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho nhiều sáng kiến cộng đồng, trong đó có đồng quản lý nghề cá ở nhiều tỉnh.