Hướng đi tới Bình đẳng: Nâng cao vị thế của Phụ nữ trong Khu vực công

Bài viết của Đại biện lâm thời Úc Sarah Hooper và Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi

7 March, 2024
UNDP tại Việt Nam

Bài đăng trên báo “Thế giới và Việt Nam” ngày 7 tháng 3 năm 2024

Ngày Quốc tế Phụ nữ là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được và các rào cản còn tồn tại trên chặng đường đạt được bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực hành chính công.

Sự lãnh đạo của phụ nữ trong khu vực công là yếu tố then chốt để thúc đẩy quản trị toàn diện và hiệu quả. Phụ nữ mang đến góc nhìn, kinh nghiệm và kỹ năng độc đáo, giúp cải thiện quy trình ra quyết định. Hiến pháp Việt Nam nêu rõ phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Cam kết này phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững 5, nhấn mạnh đến bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể giữa nam và nữ trong các vị trí lãnh đạo cao cấp của chính phủ. Đây là thời điểm cần có những hành động kiên quyết để "đầu tư vào phụ nữ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện” hướng tới bình đẳng giới trong các cơ quan nhà nước, bao gồm cả các tỉnh.

Trong một thập kỷ qua, hơn 40% cán bộ trong các bộ ngành của Việt Nam là phụ nữ. Thậm chí một số bộ ngành còn có số lượng cán bộ nữ nhiều hơn nam. Nhưng chỉ có khoảng 21% số cơ quan do nữ lãnh đạo. Những rào cản vô hình, bao gồm định kiến giới tồn tại lâu năm, tiếp tục cản trở phụ nữ tiếp cận các cơ hội ngang bằng với nam giới. Kết quả là, phụ nữ thường ở các vị trí cấp thấp hơn, nơi họ có ít ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách và ra quyết định hơn nam giới. Điều này đặc biệt được thấy rõ trong các ngành quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, an ninh và quốc phòng.

Thậm chí phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia vào quá trình đưa ra quyết định ở địa phương. Theo kết quả nghiên cứu do UNDP, Chính phủ Australia và Ireland phối hợp thực hiện, tỷ lệ phụ nữ đại diện ở cấp địa phương tham gia các hoạt động chính trị rất thấp, đặc biệt là vị trí lãnh đạo thôn bản. Trong số 832 thôn được khảo sát, chỉ có 199 thôn (chiếm chưa tới 24%) có lãnh đạo là nữ. Mặc dù tỷ lệ gia tăng đáng kể so với mức 12% vào năm 2019, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Để giải quyết những thách thức này, cần có những bước đi cụ thể để giúp phụ nữ thành công. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam đặt ra mục tiêu về số lượng phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo. Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là phụ nữ. Đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng lên 75%. Trong khi đó, Luật Bầu cử năm 2015 đặt ra mục tiêu 35% đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là phụ nữ. 

Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, Việt Nam cần giải quyết những trở ngại khiến phụ nữ khó thăng tiến trong sự nghiệp tại khu vực công. Điều này bao gồm việc thay đổi quan điểm về lãnh đạo, để phụ nữ được tin tưởng, hỗ trợ và, khi cần thiết, được bầu vào các vị trí quan trọng.

Ngoài ra, cần giảm bớt gánh nặng trách nhiệm gia đình cho phụ nữ, điều này hạn chế thời gian họ dành cho sự nghiệp. Thực hiện giờ làm việc linh hoạt, cho phép làm việc tại nhà và triển khai các chương trình trợ giúp xã hội đầy đủ, bao gồm cả chăm sóc trẻ em, có thể giúp khắc phục những vấn đề này.

Ngoài ra, việc giúp phụ nữ học hỏi các kỹ năng mới và gặp gỡ những người có thể hỗ trợ họ trong sự nghiệp cũng rất quan trọng. Chúng tôi đã hợp tác với Hội Phụ nữ Việt Nam để thành lập mạng lưới lãnh đạo nữ và nâng cao năng lực của lãnh đạo nữ được bầu cử tại sáu tỉnh. Các nhóm này xây dựng năng lực lãnh đạo của phụ nữ thông quacác chương trình tập huấn, tạo cơ hội học hỏi lẫn nhau và tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội gặp gỡ và xây dựng các mối quan hệ chuyên môn mới. Chúng tôi cũng đã hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để thiết kế các chương trình “Hành trình Lãnh đạo nữ” và “Phụ nữ trẻ chuẩn bị sẵn sàng tham gia lãnh đạo”. Các chương trình này giúp lãnh đạo nữ và những phụ nữ có tiềm năng nâng cao năng lực thông qua kết nối họ với những người mà họ có thể học hỏi và cộng tác.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới và thiết lập các cơ chế theo dõi và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong quản lý hành chính nhà nước,  bao gồm việc xây dựng các chiến lược thực hiện bình đẳng giới trong các ngành hoặc tỉnh cụ thể, chẳng hạn như Chỉ số Lãnh đạo Phụ nữ mà Australia đang hỗ trợ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng.

Cuối cùng, cần đảm bảo rằng mọi người đều biết về tầm quan trọng của việc đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, bao gồm việc xóa bỏ định kiến giới và xây dựng quy tắc ứng xử để phòng chống quấy rối tình dục.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, hãy chung tay phá bỏ định kiến đang hạn chế tiến trình đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công. Thông qua “đầu tư vào phụ nữ: đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, chúng ta không chỉ khai phóng tiềm năng của một nửa dân số mà còn xây dựng một xã hội toàn diện và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Hãy đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo và thành công./.