Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia vì Môi trường và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương Thế giới

Bài phát biểu của Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP thay mặt cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

4 June, 2023

Kính thưa TS Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Thưa TS. Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An;
Các vị khách quý;
Thưa toàn thể quý vị,

Ở quy mô hành tinh, tất cả chúng ta đều phụ thuộc rất nhiều vào các đại dương. Chúng tạo ra ít nhất một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở và hấp thụ tới một phần ba lượng khí carbon dioxide mà chúng ta tạo ra. Đặc biệt, Việt Nam gắn liền với biển: 28 tỉnh ven biển là nơi sinh sống của một nửa dân số và đóng góp khoảng 60% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, trong lịch sử, chúng ta đã lấy đi nhiều hơn những gì chúng ta đã cho đi. Các đại dương và vùng đất trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động kinh tế không bền vững, suy thoái đa dạng sinh học và đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Có thể có nhiều nhựa hơn cá ở biển vào năm 2040 nếu không có hành động nghiêm túc nào được thực hiện. Lượng rò rỉ khổng lồ này sẽ không chỉ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái biển mong manh mà còn đối với phúc lợi của chính chúng ta và sinh kế của các cộng đồng ven biển.

Một đại dương khỏe mạnh và môi trường trong sạch sẽ là những nguồn lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh. Theo Kịch bản kinh tế xanh 2022 của BTNMT - UNDP, bằng cách áp dụng các kịch bản xanh, GDP của các ngành kinh tế biển của Việt Nam có thể tăng hơn 1/3 vào năm 2030.

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để thúc đẩy. Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển. Mới hôm qua, chúng ta đã tổ chức lễ công bố Chiến lược về Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và trước đó vài ngày, Việt Nam đã tham gia thảo luận về một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Kính thưa các vị khách quý,
Sử dụng bền vững biển và đại dương sẽ là chìa khóa để xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho người dân Việt Nam. 

Thứ nhất, Việt Nam cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững; một phần thông qua việc đẩy nhanh quy hoạch không gian biển. Quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam, khi được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quản lý Thiên tai ASEAN, Việt Nam có thể đưa ra các thành tựu của mình trong việc trồng lại rừng ngập mặn, nhà ở chống chịu bão, các hành động dự đoán và giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Thứ ba, cần thống nhất về các cam kết và hành động cần thiết có sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, cộng đồng, hộ gia đình và mọi cá nhân. Xin kể câu chuyện của một ngư dân Quảng Bình. Hàng ngày, ông Tình gắn một chiếc túi lưới phía sau thuyền để thu gom rác thải sinh hoạt khi ra khơi đánh bắt và mang về bờ. Thông qua các hành động của mình, ông Tình đang giảm khoảng 10kg rác thải hàng ngày, nếu không sẽ trôi ra môi trường và gây hại cho hệ sinh thái đại dương. Chúng ta nên chú ý đến các bài học từ ví dụ này và thúc đẩy hành động từ cấp độ cá nhân và tổ chức.

Kính thưa các vị khách quý,
Thay mặt LHQ tại Việt Nam, chúng tôi tự hào được cộng tác với tất cả các bạn trong các lĩnh vực chính là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn. Các kết nối mà chúng tôi tạo dựng để đạt được mục tiêu này đã và đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trân trọng! Xin cảm ơn!