Hội nghị Tổng kết dự án EECB

Bài phát biểu bởi Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP, Ông Patrick Haverman

22 October, 2021


Ngày:  08:30, Friday, 22nd October 2021
Địa điểm: Bộ Xây dựng, 37 Lê Đại Hành, Hà Nội

Kính thưa ngài Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng;
Thưa Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giám đốc Dự án EECB;
Thưa các quý vị đại biểu đến từ các cơ quan bộ ngành, tỉnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, các tổ chức và học viện;
Thưa Quý vị đại biểu;

Tôi rất vui mừng và vinh dự được cùng Thứ trưởng Hùng chào đón Quý vị tới tham dự hội nghị quan trọng này tại hội trường và qua kênh trực tuyến nhằm chia sẻ và thảo luận về kết quả và duy trì kết quả của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” (EECB) và thúc đẩy hơn nữa các công trình hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.

Các công trình là một trong những lĩnh vực tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, chiếm 35-40% tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng ở Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển của các công trình có nguy cơ làm tăng tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cũng như phát thải khí nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu.

Bắt đầu triển khai vào năm 2016, dự án EECB được thiết kế nhằm gỡ bỏ các rào cản đối với việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hiệu quả của công trình và từng bước khai thác tiềm năng tiết kiệm năng lượng chưa được khai thác từ các công trình góp phần trực tiếp vào giảm nhẹ khí nhà kính, như được nêu trong Nghị quyết Số: 24-NQ/TW "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường’ cũng như các chính sách tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và năng lượng khác. Dự án cũng góp phần thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Đóng góp do quốc gia quyết định và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 như Thứ trưởng Hùng đã đề cập.

Đối với kết quả của dự án trong quá trình thực hiện, tôi muốn nhấn mạnh những bước tiến đáng kể về khung pháp lý đã đạt được nhằm tạo điều kiện để phát triển hơn nữa các công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh. Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã quyết tâm mạnh mẽ thông qua lần đầu tiên đưa các nội dung hiệu quả sử dụng năng lượng vào Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật và các tiêu chuẩn. UNDP rất tự hào đã hợp tác Chính phủ Việt Nam, ngành xây dựng và các bên liên quan khác trong việc tạo ra những thay đổi quan trọng và tích cực này.

Những nỗ lực mà chúng ta đã cùng nhau thực hiện trong 5 năm qua là rất đáng kể, dẫn đến việc giảm phát thải nhà kính trực tiếp hơn 73.035 tCO2, gần gấp đôi so với mục tiêu theo thiết kế dự án.

Trong số 23 tòa nhà mới và cải tạo tham gia vào dự án, việc đầu tư vào 75 giải pháp hiệu quả năng lượng đã mang lại tiết kiệm chi phí khoảng 1,53 triệu USD và tiết kiệm năng lượng từ 25% đến 67%. Những kết quả này không có chỗ cho những suy đoán và nhận thức không đúng về chi phí cao của các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể được thực hiện khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật cho các loại công trình khác nhau.

Những kết quả này của dự án sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ của các bên từ chính phủ, các công ty phát triển công trình và chủ sở hữu công tình, các nhóm kỹ thuật về thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, các đơn vị nghiên cứu và học thuật, cùng các bên liên quan khác.

Nhân dịp này này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các đối tác và cá nhân tham gia dự án vì những đóng góp quý báu của Quý vị vào thành công chung của dự án. Tôi đánh giá cao các chủ sở hữu và công ty phát triển công trình đã có những nỗ lực đáng kể để triển khai các phương pháp và giải pháp hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình của họ.

Chúng tôi cũng muốn bày tỏ lời cảm ơn tới Quỹ Môi trường Toàn cầu vì sự đóng góp tài chính cho dự án quan trọng này.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Bộ Xây dựng vì sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và trong lĩnh vực thích ứng với thích ứng với biến đổi khí hậu như thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà chống bão, lũ nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho những người dễ bị tổn thương ở các tỉnh ven biển.

Thưa quý vị đại biểu,

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm và cần phát triển một thị trường các công sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh lớn hơn. Tôi muốn nhấn mạnh ba khuyến nghị chính sau đây về vấn đề này:

1)      Trước hết, việc xây dựng một bộ công cụ bao gồm các hồ sơ tiêu thụ năng lượng cụ thể, định mức năng lượng và hệ thống chứng nhận tòa nhà hiệu quả năng lượng là một bước quan trọng đối với việc thực hiện Luật Xây dựng sửa đổi và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Do giai đoạn vận hành chiếm 70% - 80% tổng lượng phát thải trong suốt vòng đời của công trình, nên các công cụ này cần phải được chính thức ban hành và cập nhật hàng năm để liên tục theo dõi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình. Việc này đồng thời sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, và thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng về những nơi làm việc và sinh sống xanh và hiệu quả năng lượng.

2)      Thứ hai, các cơ chế khuyến khích lớn hơn và nguồn tài chính sáng tạo đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho sự phát triển rộng rãi các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng trên toàn cầu. Cần có sự trao đổi thêm giữa các bộ ngành để sửa đổi các cơ chế hiện có, nhưng khó tiếp cận, hoặc xây dựng các cơ chế mới cho lĩnh vực xây dựng. Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho tài chính xanh như các khoản vay xanh hoặc trái phiếu xanh cũng cần thiết để khu vực tư nhân có thể tiếp cận tài chính nhằm thúc đẩy đầu tư vào các công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng.

3)      Cuối cùng, khu vực tư nhân cần được khuyến khích xác định hiệu quả sử dụng năng lượng dự kiến ​​của công trình như một yếu tố chính trong hoạt động của họ. Cần khuyến khích mạnh mẽ sự thay đổi này vì công trình cân bằng năng lượng (Net zero energy) hoặc thậm chí là công trình phát thải dòng bằng 0 (Net Zero Carbon) sẽ trở thành tiêu chuẩn của ngành vào năm 2050. Nhận thức của người dân về các đồng lợi ích về sức khỏe, môi trường và giảm hóa đơn tiền điện cũng cần được nâng cao để tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Việt Nam hiện đang thúc đẩy phục hồi xanh, vì vậy việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh là cần thiết cho tăng trưởng bền vững và nỗ lực phục hồi xanh của lĩnh vực bất động sản. Cải tạo và phục hồi kinh tế thông qua xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm chi phí lâu dài và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nâng cao đời sống, sức khỏe và môi trường sống và làm việc của người sử dụng.

Tại hội nghị hôm nay, các quy vị sẽ lắng nghe trao đổi giữa Chính phủ, các chủ sở hữu công trình, các đối tác phát triển và các chuyên gia nhằm duy trì và phát triển hơn nữa các nỗ lực chung, các điển hình tốt và hợp tác trong việc thúc đẩy các công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Tôi chúc các Quý vị có một buổi trao đổi hiệu quả bởi chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm tập thể và hành động vì một môi trường xây dựng bền vững và an toàn cho mọi người, ở mọi nơi.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các bên liên quan khác nhằm phát triển ngành xây dựng các-bon thấp và có khả năng chống chịu của Việt Nam.

Kính chúc Quý vị sức khỏe, an toàn và thành công!

Xin cảm ơn!